Thứ Ba , Tháng Ba 12 2024
Đại dịch COVID 19 – cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp
Đại dịch COVID 19 – cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp

Đại dịch COVID 19 – cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp

Ban Truyền thông & Thương hiệu HTBC

Hầu hết các công ty đều hiểu tầm quan trọng của chuyển đổi số doanh nghiệp ( digital transformation ), đặc biệt trong bối cảnh Đại dịch Covid 19 đang cô lập và nhấn chìm nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhiều người bị choáng ngợp bởi ý tưởng phải cải tổ toàn bộ cách tiếp cận số và lúng túng không biết cách thực hiện từ đâu, thực hiện như thế nào. Nhưng họ đều nhận ra rằng nếu họ không làm bất cứ điều gì, họ có nguy cơ bị đổ vỡ và thay thế.

Mục tiêu của chuyển đổi số là sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề nội tại của doanh nghiệp truyền thống ( doanh nghiệp chưa chuyển đổi số ), có nghĩa là tích hợp công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Khi được thực hiện đúng, chuyển đổi kỹ thuật số cho phép các công ty cung cấp giá trị tuyệt vời chưa từng có trước đó cho khách hàng.

Các công ty bắt đầu chuyển đổi số luôn có điểm khởi đầu, nhưng nó sẽ không bao giờ thực sự có điểm kết thúc. Sự chuyển đổi số thực sự là một trạng thái của một công ty trong đó liên tục có sự tiến hóa và không ngừng áp dụng các giải pháp số mới trong nội bộ và bên ngoài công ty. Một trong những mục tiêu đầu tiên của chuyển đổi kỹ thuật số là phá vỡ các lô cốt nội bộ (tức một phần, một hệ thống của công ty không tương thích với các phần, hệ thống còn lại) để tạo ra trải nghiệm nội bộ thống nhất và liền mạch. Một khi một công ty hoạt động tốt trong nội bộ, nó có ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm khách hàng bên ngoài. Mỗi lĩnh vực hoạt động của công ty đều có vai trò trong chuyển đổi số và đều có tác động trực tiếp đến khách hàng theo những cách riêng biệt. Tập trung cao nhất vào khách hàng và hướng tới tương lai chính là chìa khóa sống còn của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không phải là cái gì quá trừu tượng, cao siêu. Nó không phải là một “cái gì đó” trong một danh sách các công việc cần làm cho xong với một deadline cụ thể. Thay vào đó phải xác định đó là một phần tất yếu, không thể tách rời của văn hóa doanh nghiệp và trải nghiệm của tổ chức. Dưới đây là 12 bước có thể giúp bạn đạt mục tiêu nhanh hơn trong chuyển đổi số.

1. Khách hàng là trọng tâm.

Trước khi thực sự bắt đầu sự chuyển đổi số, công ty phải chuyển suy nghĩ của mình từ tập trung vào sản phẩm sang tập trung vào khách hàng. Động lực đằng sau các quyết định công nghệ phải là khách hàng. Mục tiêu là làm cho khách hàng có trải nghiệm cuộc sống dễ dàng hơn, thay vì chỉ làm mọi thứ dễ dàng hơn cho công ty. Tập trung vào khách hàng là cơ sở cho tất cả các quyết định chuyển đổi số. Với sự phát triển và ứng dụng mau lẹ của khoa học kỹ thuật hiện nay, khoảng cách công nghệ giữa các sản phẩm cùng loại không phải là quá lớn và không thể thu hẹp. Các concept, tính năng của các dòng điện thoại từ Iphone đến Samsung, hay Vovo, Vsmart không quá khác nhau. Điều làm nên sự khác biệt chính là ở trải nghiệm của khách hàng.  

2. Cấu trúc của tổ chức

Các công ty cần phá vỡ các lô cốt bên trong để tạo ra một tổ chức gắn kết, nắm lấy cơ hội thay đổi. Các vị Chủ tịch, giám đốc điều hành và đội ngũ các quản lý cấp cao cần cùng nhau bước lên con tàu tương lai với tầm nhìn mới về kỷ nguyên số.

3. Quản lý sự thay đổi.

Thay đổi là điều khó khăn, dù sẽ mang lại lợi ích to lớn cho công ty. Một trong những lý do phổ biến nhất khiến việc chuyển đổi kỹ thuật số thất bại là do không được nhân viên ủng hộ. Họ đã quá quen với hệ thống hiện tại như là một vùng an toàn ( comfort Zone ), nơi họ cảm thấy thoải mái với suy nghĩ và hành vi quen thuộc và lặp lại. Để thực hiện sự thay đổi, cần phải tạo ra môi trường kinh doanh hiện đại, năng động, phá vỡ các rào cản thay đổi.

4. Tinh thần lãnh đạo trong chuyển đổi.

Một chuyển đổi số thành công phải bắt đầu từ các nhà lãnh đạo cao nhất, đưa toàn bộ công ty hướng tới tầm nhìn chung. Mỗi nhà lãnh đạo và điều hành cấp cao phải đóng một vai trò trong việc gìn giữ tầm nhìn về sự thay đổi số cho tổ chức của mình và đồng bộ việc chuyển đổi số với các mục tiêu lớn và dài hạn của công ty.

5. Quyết định công nghệ.

Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến toàn bộ tổ chức, không chỉ một bộ phận riêng rẽ. Ví dụ trung bình có 15 người tham gia vào hầu hết các quyết định mua và áp dụng công nghệ, thì ý kiến của tất cả mọi người đều cần được lắng nghe

6.Tích hợp số.

Tất cả các hệ thống dữ liệu cần phải làm việc cùng nhau và được tích hợp vào các quy trình nội bộ của công ty. Một chiến lược dữ liệu hợp lý là cần thiết để chuyển đổi số thành công.

7. Trải nghiệm khách hàng nội bộ.

Khách hàng nội bộ chính là toàn thể cán bộ nhân viên của công ty. Khi tập trung vào các giải pháp số cho khách hàng, các công ty cũng cần xem xét các khách hàng nội bộ của mình. Nhận phản hồi của nhân viên và cung cấp các giải pháp công nghệ được áp dụng cho nhân viên sẽ  giúp họ có trải nghiệm tuyệt vời. Khi nhân viên cảm nhận lợi ích và hạnh phúc mang lại trong công việc, họ sẽ mang lại lợi ích và hạnh phúc cho khách hàng bên ngoài. Rất khó để mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng bên ngoài nếu không có trải nghiệm tốt từ khách hàng bên trong – toàn bộ nhân viên công ty.

8. Chuỗi cung ứng và hậu cần.

Chuyển đổi số thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ và sự tin cậy của chuỗi cung ứng, từ cách thức sản phẩm được sản xuất nhanh chóng và đến hiệu quả của việc thực hiện đơn hàng và vận chuyển. Để tăng cường sự chuyển đổi, các công ty cần xem xét làm thế nào số hóa và cải thiện chuỗi cung ứng và hậu cần.

9. Bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và đạo đức.

Việc áp dụng các giải pháp số mới mở ra các câu hỏi mới về bảo mật dữ liệu. Hầu hết người tiêu dùng nghĩ rằng dữ liệu cá nhân của họ có nguy cơ rò rỉ. Nên việc áp dụng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật cần được đặt lên hàng đầu. Với nhiều ví dụ về “Sự chấn động của Zoom” tuần trước, với việc tin tặc lén lút vào cuộc họp riêng của mọi người – một lần nữa chúng ta được nhắc nhở rằng bất kỳ vi phạm dữ liệu hoặc hack nào cũng có thể làm xói mòn thương hiệu của bạn. Các trường học hiện đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Zoom.

10. Sự cải tiến sản phẩm, dịch vụ và quy trình.

Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi trong suy nghĩ về cách định nghĩa một sản phẩm, dịch vụ hay cách một tổ chức cung cấp sản phẩm và dịch vụ của mình. Các công ty thành công đã vượt qua những lối mòn cũ kỹ để tìm ra các giải pháp sáng tạo và hiệu quả nhất.

11. Số hóa.

Chuyển đổi số chạm vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của công ty và làm mờ ranh giới giữa các cửa hàng số và cửa hàng vật lý ( mortar and brick store ). Điều đó có nghĩa là cần di chuyển các hoạt động được phân đoạn trong quá khứ để số hóa mọi khía cạnh của doanh nghiệp.

12. Cá nhân hóa.

Chuyển đổi số là cơ hội tuyệt vời để cá nhân hóa các trải nghiêm cho khách hàng với sự ưu thế của sử dụng dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Tận dụng các giải pháp số để thấu hiểu khách hàng và cung cấp các dịch vụ được cá nhân hóa dựa trên các đề xuất và trải nghiệm của họ và cho chính họ.

Chuyển đổi số là một quá trình đang diễn ra, tất yếu và không thể đảo ngược. Thay đổi và mạo hiểm vào những điều chưa biết sẽ là điều khó khăn. Nhưng việc tạo ra một nền tảng số hướng tới khách hàng, tập trung vào khách hàng có thể mang lại lợi ích sống còn và lâu dài cho doanh nghiệp. Đây chính là thời cơ cho các doanh nghiệp trong thời đại COVID-19 trước áp lực bắt buộc phải thay đổi, tác động tích cực và ảnh hưởng bền vững tới nhân viên, đối tác và khách hàng của bạn.

Ban Truyền thông & Thương hiệu HTBC
( Dịch và tổng hợp từ Forbes )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *