Thứ Bảy , Tháng Tư 6 2024

HTBC TỌA ĐÀM ONLINE “NHỮNG GIẢI PHÁP KINH DOANH TRONG MÙA DỊCH”

Ngày 21/09/2021, CLB Doanh Nhân Thanh Hóa tại TP.HCM & Phía Nam tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “NHỮNG GIẢI PHÁP KINH DOANH TRONG MÙA DỊCH” trên nền tảng Zoom với các khách mời diễn giả:
+ PGS. TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
+ Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp TP.HCM
+ Ông Trần Việt Anh – TGĐ Công ty Nam Thái Sơn / Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Thành phố Thủ Đức
+ Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam
+ Ông Trịnh Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT / TGĐ Đại Dũng Group, Chủ tịch HTBC
+ Điều phối chương trình: TS Vũ Văn Hoàng – Phó Chủ tịch HTBC / Chủ tịch CLB Doanh Nhân HUTECH

Chương trình với 118 thành viên và khách mời tham dự, đặc biệt là sự kết nối các doanh nhân trên khắp 3 miền đất nước.

Mục đích đưa đến cho quý doanh nghiệp những thông tin bổ ích về các quy định của Chính phủ, Thành phố cũng như các cơ quan chuyên môn, đồng thời đưa ra những định hướng sắp tới để doanh nhân áp dụng cho doanh nghiệp của mình, chủ động tìm hướng đi, duy trì và phát triển sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới, cùng các khó khăn thử thách mà doanh nghiệp phải đối phó chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh trong đại dịch và hậu dịch.

Sự kiện còn là diễn đàn gắn kết các thành viên CLB, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau và hướng tới trao đổi sản phẩm của nhau trong và ngoài CLB, liên kết hợp tác kinh doanh giao thương bền vững hiệu quả.

Bố cục chương trình được chia làm 5 phần:

  1. Giới thiệu về các hoạt động HTBC đã làm trong thời gian qua (clip)
  2. Diễn giả cho định hướng:
    + Các quy định của Chính phủ và của Thành Phố trong đại dịch (từ diễn biến), chính sách những hỗ trợ…
    + Định hướng sắp tới sau dịch bình thường mới, bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam
    + Doanh nghiệp duy trì sản xuất và gắng sức trong mùa dịch cụ thể đã và đang phải vượt qua
  3. Giao lưu trao đổi giữa các thành viên và diễn giả. Thành viên đặt câu hỏi và diễn giả, lãnh đạo HTBC trả lời.
  4. Lãnh đạo CLB phát biểu ý kiến
  5. Kết luận chung: thống nhất một số biện pháp doanh nghiệp có thể áp dụng cho hiện tại và trong thời gian tới.

Chương trình kéo dài gần 6 giờ đồng hồ vẫn chưa kết thúc với rất nhiều ý kiến hay của các khách mời là doanh nhân, đại biểu Quốc hội, bác sỹ, luật sư, …

Ông Trịnh Tiến Dũng phát biểu khai mạc và gửi lời cảm ơn đến Quý diễn giả khách mời, Quý doanh nhân đã dành thời gian tham dự buổi tọa đàm này.

Mở đầu chương trình là bức tranh toàn cảnh thành phố trong đại dịch qua phần trình bày của PGS. TS Trần Hoàng Ngân. Ông cho rằng chúng ta không thể tiếp tục giãn cách mãi mà phải chấp nhận “sống chung”, “sống thích nghi” với Covid-19. Trong đó, vaccine và tuân thủ nguyên tắc 5K là điều kiện tiên quyết.

Thông qua những kinh nghiệm đúc kết dựa trên thực tế của mình, ông Trần Việt Anh đã cung cấp một cái nhìn cụ thể trong đại dịch. Theo ông, rất cần sự đồng hành của Chính phủ và chính quyền để doanh nghiệp trụ cột hoạt động trở lại, không mất thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc thị trường lao động, không tập trung phía nam như trước đây nữa; Tăng cường đầu tư công tại các địa phương có nguồn nhân lực dồi dào. Ông cho rằng, sau dịch là cơ hội lớn, vì trong đại dịch nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất, nên chủ yếu sử dụng hàng tồn kho để bán. Đến nay các doanh nghiệp đã tiêu thụ hết lương hàng tồn kho, trong khi thị trường vẫn còn đang khát hàng. Do đó sau đại dịch, các doanh nghiệp sẽ cần khôi phục hoạt động sản xuất của mình nhanh nhất có thể. Doanh nghiệp cũng cần tranh thủ đánh giá lại thị trường trong ngành hàng của mình, tiềm năng thị phần để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết trong giai đoạn hiện nay, để  sản xuất kinh doanh hiệu quả cần đồng thời xử lý khủng hoảng theo vòng tròn: Ứng phó – Phục hồi – Phát triển với phần diễn giải chi tiết các nội dung trên để doanh nghiệp hiểu rõ. Bà cho biết vaccine cho doanh nghiệp là vaccine đi từ trong ra. Tự tạo vaccine cho chính doanh nghiệp của mình là vaccine tốt nhất.

Phần chia sẻ của Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch HUBA, cho biết trong giai đoạn này, sự chuyển đổi số của doanh nghiệp là cần thiết nhất trong tình hình hiện nay. Các doanh nghiệp cần tiếp tục chuẩn bị để khi đủ điều kiện sẽ tiếp tục hoạt động. Ông nhận định khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa ngày càng cao, do sự thiếu đồng bộ trong hệ sinh thái các chuỗi sản xuất cũng như thiếu đồng bộ và nhất quán về các chính sách của các địa phương. Điều này dẫn đến nguy cơ sau đại dịch thị trường trong nước của các doanh nghiệp sẽ bị cạnh tranh và có nguy cơ thu hẹp do các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh, lấy mất thị trường trong giai đoạn cách ly, phòng chống dịch. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tăng cường đoàn kết, tăng cường trách nhiệm với nhau chia sẻ khó khăn để giữ vững chuỗi liên kết.

Ông Trịnh Tiến Dũng – Chủ tịch HTBC cho rằng có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi trở lại thị trường sau dịch với điều kiện doanh nghiệp cần thay đổi cách thức quản trị kinh doanh trong thời kỳ mới. Ông cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi số giúp việc đánh giá không còn khó khăn, chi tiết hoá và hoàn toàn có thể kiểm soát. Ông Dũng chia sẻ về cách tổ chức hoạt động sản xuất 3T (ba tại chỗ), và đưa ra cách tổ chức 3T tại công ty Đại Dũng hiện tại. Trong phần hỏi đáp, các khó khăn chính của các doanh nghiệp hiện tại được ghi nhận chủ yếu đến từ thiếu vốn kinh doanh, khó khăn về tiếp cận thị trường, khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, khó khăn về thủ tục hành chính cũng nhu lao động và nguồn nhiên liệu. Một số DN cũng chia sẻ về cách thức tổ chức hoạt động của Doanh nghiệp mình, việc giữ khách hàng, thị trường rất khó nhưng chúng ta cần cố gắng.

Sau đây là video toàn cảnh chương trình và một số hình ảnh:

Các diễn giả tham dự và chia sẻ tại diễn đàn

Các thành viên tham gia

Phần chia sẻ của bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam

Văn phòng HTBC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *