Thứ Bảy , Tháng Mười Một 23 2024

Diễn đàn “ESG – Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật”

(ĐCSVN) – Diễn đàn “ESG – Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật” đề cập tới cơ hội việc làm cho người khuyết tật gắn với bối cảnh và xu thế ESG (môi trường – xã hội – quản trị) phát triển bền vững được tổ chức tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chi Mai) 

Ngày 01/12/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) tổ chức Diễn đàn “ESG – Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật” nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật (03/12/2023).

Đây là lần đầu tiên một diễn đàn đề cập tới cơ hội việc làm cho người khuyết tật gắn với bối cảnh và  xu thế ESG phát triển bền vững được tổ chức tại Việt Nam. Diễn đàn được chủ trì bởi VBCWE với sự đồng hành của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD), Hội Nữ doanh nhân TP Hồ Chí Minh (HAWEE) và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ.

Diễn đàn có sự tham gia chia sẻ của đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), các doanh nghiệp, tổ chức tiên phong trong việc tạo việc làm và kiến tạo hệ sinh thái tạo việc làm cho người khuyết tật.

Tại Diễn đàn, các diễn giả cùng chia sẻ các nghiên cứu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới World Bank, DRD về cơ hội việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam; kinh nghiệm của đại diện các nhóm khuyết tật khác nhau (khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động); doanh nghiệp cam kết và tiên phong trong đào tạo và tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật.

Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: CM) 

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật. Trong đó, chỉ có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng (là những người mất một phần hoặc suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng làm việc) có việc làm. Mặc dù trong những năm gần đây, vấn đề dạy nghề, tạo ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng người khuyết tật tại Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận các cơ hội giáo dục và việc làm một cách công bằng và đầy đủ.

Cụ thể, số người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn chiếm tới 93,4%, trong đó chỉ 6,5% có bằng cấp là chứng chỉ nghề trở lên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa thực sự chú ý và quan tâm tới việc mang đến cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật.

Đây là thực trạng cần được cả xã hội quan tâm, nhằm xóa bỏ rào cản cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Nhiều người khuyết tật có khả năng và năng lực vượt trội để đảm nhận những vị trí công việc bình thường. Cùng với sự phát triển của công nghệ, đào tạo đội ngũ HR và kỹ năng lãnh đạo để xóa bỏ phân biệt đối xử, điều doanh nghiệp cần làm là không chỉ tạo ra cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận với chương trình đào tạo, giáo dục và tuyển dụng bình đẳng với người không khuyết tật, mà còn cân nhắc tới những nhu cầu đặc biệt của họ trong môi trường làm việc như lối đi, khu vệ sinh để người khuyết tật có cơ hội phát triển trong công việc.

Công bố cam kết của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về tạo hệ sinh thái việc làm và đào tạo nghề cho người khuyết tật. (Ảnh: CM)

Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) cho biết: “Người khuyết tật cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động tiềm năng của xã hội, thay vì là đối tượng ưu tiên. Điều này có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều cần quan tâm thực sự đến tạo việc làm cho người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật là phụ nữ, để họ được cơ hội việc làm bình đẳng như nhau.”

Về phía doanh nghiệp, bà Hà Thu Thanh chia sẻ thêm: “Việc mang đến cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho người khuyết tật, hỗ trợ họ tham gia hệ sinh thái việc làm là hành động vượt lên trên trách nhiệm xã hội, trở thành giá trị mà doanh nghiệp mong muốn đóng góp. Vì thế, thông qua Diễn đàn, chúng tôi cam kết tình nguyện đồng hành để kiến tạo hệ sinh thái việc làm cho người khuyết tật. Trong đó, các doanh nghiệp cùng nhau chung tay hành động. Mỗi nhóm doanh nghiệp đóng vai trò như một mắt xích trong tiến trình đào tạo chuyên môn, đào tạo kỹ năng sống, tuyển dụng lao động và tài trợ chi phí để mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật. VBCWE tin rằng, việc kết nối giữa các đơn vị mong muốn tuyển dụng người khuyết tật với doanh nghiệp có khả năng hỗ trợ, đào tạo người khuyết tật và trung tâm đào tạo cho người khuyết tật sẽ tạo ra mối liên hệ mạnh mẽ hơn trong chiến lược ESG của các doanh nghiệp.”

Ông Nguyễn Tam Giang – Chuyên gia cao cấp về phát triển xã hội của một ngân hàng đã công bố kết quả cuộc nghiên cứu về việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam. Theo đó, ở nhóm từ 15 – 39 tuổi cho biết, họ gặp các rào cản khi đi làm như các vấn đề về nâng cao trình độ chuyên môn, phương tiện đi lại và thái độ của những người xung quanh. Không chỉ vậy, họ còn không nhận được sự ủng hộ từ chính người thân và gia đình mình. Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật khó nhận được việc làm hơn nam giới, người khuyết tật lớn tuổi rất khó có cơ hội việc làm. Theo ông Nguyễn Tam Giang, không có một giải pháp nào có thể giải quyết hết được các vấn đề thách thức trong cơ hội việc làm cho người khuyết tật mà các doanh nghiệp, tổ chức cần căn cứ theo bối cảnh để có các chính sách, điều chỉnh phù hợp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: CM) 

Bà Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình Hòa nhập Người khuyết tật, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng: Lợi ích cho doanh nghiệp khi tuyển dụng người khuyết tật là khả năng tiếp cận một thị trường rộng lớn và chưa được khai thác với hơn 1,3 tỷ người khuyết tật và khả năng chi tiêu là 8 nghìn tỷ USD; Cải thiện sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng; Nâng cao danh tiếng và giá trị thương hiệu; Gắn kết và giữ chân nhân viên tốt hơn; Đổi mới và nâng cao năng suất; Giúp nhà đầu tư quyết định các giá trị bền vững thông qua dữ liệu về tình trạng khuyết tật trong lực lượng lao động.

Bà Đào Thu Hương khẳng định, UNDP góp phần bảo đảm quyền việc làm cho người khuyết tật. Đặc biệt, UNDP và các tổ chức của người khuyết tật đã kết nối với các doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội để mở ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật như: Năm 2019,  triển khai nghiên cứu “Cải thiện chính sách và thực tiễn việc làm cho người khuyết tật”; Năm 2021, mở các lớp đào tạo kỹ năng số cho người khuyết tật, tổ chức hội thảo “Xu hướng toàn cầu về việc làm số cho người khuyết tật”; Năm 2022, thành lập mạng lưới doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật.

“Để huy động sự đóng góp của người khuyết tật cho việc triển khai ESG, doanh nghiệp cần đưa việc hòa nhập người khuyết tật vào các giá trị và chính sách cốt lõi của công ty; Xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử từ trong tiềm thức, khuyến khích tư duy đa dạng của nhân viên và lãnh đạo; Áp dụng thiết kế phổ dụng, tạo ra môi trường làm việc dễ tiếp cận cho tất cả mọi người; Lắng nghe tiếng nói và nhu cầu của người khuyết tật, cả bên trong lẫn bên ngoài; Đầu tư vào các nhóm nguồn lực nhân viên, mạng lưới người khuyết tật và quan hệ đối tác với các tổ chức của người khuyết tật; Thu hút các chuyên gia và nhà tư vấn về khuyết tật để hướng dẫn và hỗ trợ. Hòa nhập người khuyết tật không chỉ là sự thôi thúc lương tâm, một việc làm từ thiện, mà còn là trách nhiệm xã hội, lợi thế chiến lược cho các doanh nghiệp muốn thành công trong kỷ nguyên ESG.”- bà Đào Thu Hương phân tích.

Tại diễn đàn đã công bố cam kết của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về tạo hệ sinh thái việc làm và đào tạo nghề cho người khuyết tật; trao tặng học bổng cho nữ sinh viên khuyết tật và trao tặng tài trợ cho Quỹ phát triển việc làm cho người khuyết tật./.

Nguồn: CM – dangcongsan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *