(Tieudung.vn) – Đó cũng là chủ đề của buổi toạ đàm trực tuyến vừa được CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh – phía Nam (HTBC) tổ chức nhằm tìm giải pháp để có thể trở lại sản xuất – kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia nhận định, sau những khó khăn do dịch bệnh, do đứt gãy chuỗi cung ứng, trong hoạt động kinh doanh, việc các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị các nguồn lực để quay trở lại là rất cần thiết để không bỏ lỡ cơ hội và thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh… đây là những vấn đề được nhiều lãnh đạo DN quan tâm.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội DN TP Thủ Đức, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cùng nhiều DN khác bày tỏ mong muốn TP Hồ Chí Minh sớm có lộ trình, chính sách để DN sớm hoạt động trở lại.
Theo ông Trần Việt Anh, chính quyền thành phố cần có các phương án để cho các DN sớm được hoạt động trở lại, nhất là các DN ở khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, trong đó quan trọng nhất là những DN sản xuất khẩu trụ cột như dệt may, thủy sản, điện tử… để không mất cơ hội cũng như thị trường vào tay DN nước ngoài. “Mong muốn hoạt động trở lại là ưu tiên hàng đầu của các DN trên địa bàn thành phố và chúng tôi cũng kỳ vọng chính quyền thành phố và Chính phủ đồng hành tháo gỡ khó khăn cho DN để sẵn sàng hoạt động sản xuất – kinh doanh sau giãn cách” – ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HTBC, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, cho rằng có rất nhiều cơ hội cho DN khi trở lại “đường đua” với điều kiện DN cần thay đổi cách thức quản trị, kinh doanh trong thời kỳ mới. Dẫn chứng từ chính DN mình, ông Dũng cho biết năm 2020 DN của ông bị thiệt hại nặng nề khi đại dịch lần đầu tiên bùng phát, qua năm nay, DN đã xoay xở để trở lại bằng cách chuyển sang thị trường trong nước, đồng thời đầu tư, phát triển thêm những lĩnh vực mới, tạo dòng đời sản phẩm an toàn hơn. “Chúng tôi áp dụng rất nhiều biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro, chi phí, chuyển đổi số để vẫn có khách hàng ở nước ngoài và mọi giao thiệp với đối tác nước ngoài đều qua kênh online, số hóa các công đoạn sản xuất, vận chuyển, logistics… Nhờ đó, công ty duy trì được hoạt động sản xuất và có thêm cơ hội dù ở giai đoạn thị trường chung khó khăn vì dịch” – ông Dũng chia sẻ.
Còn PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh thì cho rằng: Chuẩn bị để trở lại thị trường là cần thiết. Do đó, chúng ta không thể tiếp tục giãn cách mãi mà phải chấp nhận “sống chung”, “sống thích nghi” với Covid-19. Trong đó, vaccine và tuân thủ nguyên tắc 5K là điều kiện tiên quyết, bên cạnh đó phải bảo đảm năng lực điều trị của hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế… Các DN cần nhất lúc này là chính sách, là lộ trình phục hồi, mở cửa trở lại để có sự chuẩn bị, vì nếu mở ra xong mà đóng trở lại sẽ ảnh hưởng lớn vô cùng đến DN nếu không muốn nói là phá sản.
Ông Ngân cũng cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ là cơ hội rất lớn cho các DN. Bởi trong 4 tháng giãn cách ở thành phố vừa qua, rất nhiều DN chỉ lấy hàng tồn kho ra bán, cung cấp cho thị trường do sản xuất bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Chính vì vậy, ngay lúc này các DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản để trở lại thị trường, mỗi DN, ngành nghề có thể xem lại thị phần ở lĩnh vực của mình để tranh thủ tận dụng cơ hội.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, cho rằng trong thời điểm này, các DN cần cấu trúc lại hoạt động để sản xuất – kinh doanh hiệu quả, đồng thời sẵn sàng cho việc ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Sau những khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy trong hoạt động kinh doanh, ở điều kiện bình thường mới, DN cần thay đổi phương thức kinh doanh, làm điều cũ bằng cách mới, nghĩ ra sản phẩm mới phù hợp để có nguồn tiền… Dù DN ở lĩnh vực, ngành nghề nào, quy mô lớn hay nhỏ cũng cần phải có cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro, quản trị nhân lực… để đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp bởi không thể chờ đến khi dịch Covid-19 kết thúc mới đưa ra giải pháp.
Để chuẩn bị cho việc khôi phục sản xuất – kinh doanh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh – thương mại trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đại diện nhiều DN cho rằng để có đủ điều kiện đáp ứng tất cả điều kiện trong bộ tiêu chí để trở lại hoạt động an toàn trong giai đoạn bình thường mới của thành phố vẫn còn nhiều băn khoăn bởi Bộ tiêu chí có giá trị thực hiện từ ngày ký, vậy DN tại các “vùng xanh” đáp ứng đủ những tiêu chí này có được gỡ bỏ “3 tại chỗ” ngay bây giờ chưa hay còn chờ hướng dẫn gì khác? DN ở “vùng đỏ” triển khai như thế nào, lộ trình ra sao?… Đó là những câu hỏi của các DN đang mong chờ câu trả lời từ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
Được biết, HTBC được thành lập năm 2009, HTBC cũng là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Trong hơn 10 năm qua, HTBC đã có nhiều hoạt động xã hội – từ thiện trên địa bàn cả nước hàng chục tỷ đồng, với mong muốn luôn mang lại những đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội để góp phần nâng cao đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, HTBC đã kêu gọi các thành viên ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, ủng hộ quỹ vaccine đến thời điểm hiện nay là gần 2 tỷ đồng hiện kim và nhiều hiện vật có giá trị. Đồng thời các thành viên CLB đã trao tặng hiện kim và các thiết bị y tế cho một số người dân và các chiến sĩ biên phòng ở tuyến đầu chống dịch tại một số địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Nguồn: Quang Minh – tieudung.vn