Thứ Sáu , Tháng Mười Một 22 2024

Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong tháng đầu năm 2022

(TBTCO) – Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/2 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực từ đầu năm 2022. Theo WB, để đảm bảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mới giai đoạn 2022 – 2023 có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ.

Thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1

Phân tích những diễn biến kinh tế gần đây của Việt Nam từ WB cho thấy, ngay từ đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi khá tích cực.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương. Ảnh: LV

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm xuống còn 2,4% (so cùng kỳ năm trước) từ 8,7% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2021. Sự giảm tốc này chủ yếu do sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học giảm 5,0%, so với tốc độ tăng 15,6% trong tháng 12/2021. Trong khi đó, sản xuất các sản phẩm kim loại, may mặc và giày da đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rõ rệt từ 52,5% trong tháng 12/2021 lên 53,7%, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, cho thấy điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 6,7% so tháng trước và 1,3% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số này phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa, được đẩy mạnh khi các hộ gia đình chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 chững lại, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống 8,1% từ 25,1% trong tháng 12/2021, trong khi tăng trưởng nhập khẩu vẫn được duy trì vững chắc ở tốc độ 11,3%. Dù xuất khẩu giảm tốc nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD.

Một tín hiệu tích cực nữa trong tháng đầu năm là cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có khởi đầu mạnh mẽ năm 2022. Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập sôi động. Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD (tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký). Vốn đăng ký chủ yếu vẫn là vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 60%), tiếp theo là bất động sản (22,5%). Sau khi giảm mạnh trong quý III/2021, giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,8% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 1/2022.

Bên cạnh đó, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do nhà nước quản lý) tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Theo dõi chặt chẽ công tác triển khai chương trình phục hồi kinh tế

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mới giai đoạn 2022 – 2023 được khởi động trong tháng 1/2022, theo WB, trong chương trình này, tổng quy mô các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.

Về thu ngân sách, biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tiếp tục được sử dụng, phản ánh thành công đã đạt được kể từ đầu khủng hoảng của công cụ chính sách tài khóa này. Bên cạnh đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% ở hầu hết các lĩnh vực, tương đương giảm thu từ thuế VAT khoảng 0,6% GDP đánh giá lại.

Tất cả các biện pháp về thu ngân sách sẽ được triển khai trong năm 2022. Các biện pháp về chi ngân sách (2,2% GDP đánh giá lại) chủ yếu bao gồm đầu tư công và hỗ trợ lãi suất. Đầu tư công (1,6% GDP đánh giá lại) bao gồm đẩy nhanh các dự án giao thông đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 và các dự án mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội, việc làm, chuyển đổi số, du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phần lớn các hoạt động đầu tư mới trên sẽ được triển khai vào năm 2023, vì vậy có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022. Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động ở mức khoảng 0,1% GDP đánh giá lại, được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ để người lao động quay lại và tiếp tục sinh sống tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu vực kinh tế trọng điểm: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho dự kiến khoảng 4 triệu người lao động đủ điều kiện.

Theo các chuyên gia WB, chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cũng theo WB, để đảm bảo chương trình này có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ thực hiện.

Bên cạnh đó, WB cũng khuyến nghị, các biện pháp y tế như chương trình tiêm vắc-xin và “thông điệp 5K” cần được duy trì, vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng Covid-19 mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại và Việt Nam đang mở cửa trở lại trường học, cũng như có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với khách quốc tế để vực dậy ngành du lịch./.

Nguồn: Thảo Miên – thoibaotaichinhvietnam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *