Thứ Hai , Tháng Ba 11 2024

Người lao động khốn khổ vì Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn

Hơn 40 người lao động CTCP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Miền Bắc khốn khổ gần 1 năm qua vì công ty không trả nợ lương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khốn đốn của công ty và người lao động bắt nguồn từ sự áp đặt, tắc trách của Ban Quản lý khu kinh tế (BQL KKT) Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Ngày 23/9/2009, CTCP đầu tư hạ tầng KCN Miền Bắc (Công ty Miền Bắc) được BQL KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư khai thác hạ tầng khu A – KCN Bỉm Sơn. Tuy nhiên, công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn. Để có thể GPMB đảm bảo tiến độ, Công ty Miền Bắc đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng chênh lệch để đền bù cho dân.

Dù vậy, công ty vẫn không thể thực hiện đúng tiến độ theo quy định. Trước khi hết hạn, công ty đã làm tờ trình xin điều chỉnh tiến độ dự án nhưng BQL KKT Nghi Sơn không hồi đáp, dù công ty đã huy động mọi nguồn lực, kể cả vay nóng, vay ngân hàng để giải ngân với hy vọng thực hiện được dự án.

Bỗng dưng, ngày 7/2/2013, BQL KKT đã ra QĐ số 30/QĐ-BQLKKTNS, đơn phương chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đầu tư trên. Công ty Miền Bắc nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ việc đơn phương chấm dứt giấy chứng nhận đầu tư này nhưng vẫn không nhận được câu trả lời.

Ngày 7/6/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 1922/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ mặt bằng Công ty Miền Bắc đang triển khai giao cho BQL KKT Nghi Sơn quản lý. Trong năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định phê duyệt giá trị tài sản của Công ty Miền Bắc đã đầu tư trên đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn lại khi Nhà nước thu hồi… Theo đó, tổng giá trị Công ty Miền Bắc thu lại là hơn 21 tỷ đồng – một con số rất nhỏ so với hơn 100 tỷ đồng Công ty đã bỏ ra.

Dù rất xót xa, nhưng Công ty Miền Bắc vẫn phải chấp hành, bàn giao toàn bộ hồ sơ, mặt bằng cho BQL KKT Nghi Sơn theo QĐ của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao “BQL KKT Nghi Sơn chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan giải quyết giá trị còn lại của tài sản và các khoản chi phí đã đầu tư…” cho Công ty Miền Bắc.

Ngay sau khi thu hồi mặt bằng của Công ty Miền Bắc, BQL KKT Nghi Sơn đã cho CTCP đầu tư phát triển VID Thanh Hóa (Công ty VID) và CTCP kiến trúc Phục Hưng thuê lại, đầu tư trên diện tích đất Công ty Miền Bắc đã GPMB. Theo đó, Công ty VID phải trả trên 14,2 tỷ đồng để BQL trả cho Công ty Miền Bắc và Công ty Phục Hưng trả hơn 6,87 tỷ đồng.

BQL KKT Nghi Sơn đã yêu cầu 2 Công ty trên trả tiền vào tài khoản của ban trước 30/8/2014. Công ty VID đã nghiêm chỉnh chấp hành, song Công ty Phục Hưng đến nay vẫn bất động.

Theo ông Nguyễn Tiến Trung – GĐ Công ty Miền Bắc, hiện ngân hàng, đối tác đang đòi nợ ráo riết nhưng ưu tiên hàng đầu là trả lương cho người lao động, nếu Công ty nhận được tiền nợ. Anh Nguyễn Tiến Mạnh – cán bộ kỹ thuật Công ty Miền Bắc – cho hay, anh cũng như nhiều lao động khác rất chia sẻ khó khăn với Công ty, mọi người rất mong BQL KKT Nghi Sơn chỉ đạo Công ty Phục Hưng trả nợ để trang trải cuộc sống. “Đó là tiền mồ hôi nước mắt chúng tôi bỏ ra, sao lãnh đạo BQL KKT Nghi Sơn có thể thờ ơ, bao che cho Công ty Phục Hưng cướp không được”, anh Mạnh nói.

Chỉ đạo xong rồi… để đó

BQL KKT Nghi Sơn là cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, hoàn trả số tiền hơn 21 tỷ đồng đã được định giá cho Công ty Miền Bắc. Vậy nhưng, BQL yêu cầu Công ty Phục Hưng mãi không được nên… lờ đi, để mặc cho Công ty Miền Bắc đòi Công ty Phục Hưng. Công ty Phục Hưng lấy lý do việc rà phá bom mìn chưa triệt để nên không trả tiền. Trong khi đó, việc rà phá bom mìn đã được đơn vị quân đội thực hiện theo đúng quy định.

Ngày 10/5, làm việc với PV, ông Trần Hòa – Trưởng BQL KKT Nghi Sơn – mới … sực nhớ sự việc trên và gọi điện truy ông Lê Thanh Hà – Phó ban. Ông Hòa gọi hỏi ông Hà: “Này, chỗ Công ty Miền Bắc còn ít tiền nong thế nào ấy nhỉ? Đã giải quyết chưa?”. Ông Hà: “Chưa!”.

Ông Hòa: “Sao lâu thế? vậy Công ty Phục Hưng đã thống nhất chỗ rà phá bom mìn chưa?”. Ông Hà: “Dạ! Thống nhất rồi ạ! Công ty Phục Hưng đã công nhận rà phá”. Ông Hòa nói: “Vậy sao không trả tiền cho nó (Công ty Miền Bắc – PV) đi” và chỉ đạo cho ông Hà: “Trong tuần này, yêu cầu Công ty Phục Hưng trả tiền cho Công ty Miền Bắc đi, nếu không trả thì đình chỉ việc thi công của Công ty Phục Hưng lại”.

Cũng tại buổi làm việc trên, ông Hòa gọi cho ông Khánh – GĐ Công ty Phục Hưng. Ông Hòa: “Này, Khánh ơi, có mấy cái đồng bạc của Công ty Miền Bắc mày có trả không?”. Ông Khánh: “Dạ, có chứ! Em trả chứ!”. Ông Hòa: “Trả ngay không ban đình chỉ dự án và tính lãi ngân hàng của chú đi đấy!”. Ông Khánh: “Dạ! dạ! Vâng! Vâng!”.

Một tháng trôi qua, chỉ đạo của ông Hòa đã bay theo gió. Những tiếng \”dạ, vâng\” của cấp dưới cũng bay theo. Công ty Miền Bắc ngày càng khó khăn, hàng chục công nhân vẫn phải từng ngày trông chờ “ân huệ” từ việc giải quyết trả nợ của ông Trần Hòa – Trưởng BQL KKT Nghi Sơn và Công ty Phục Hưng – đơn vị được ban này cho phép đầu tư trên mồ hôi nước mắt của hàng trăm con người mà Công ty Miền Bắc đã bỏ ra.

Theo Báo Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *