Thứ Hai , Tháng Ba 11 2024

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020

Theo thanhhoa.gov.vn – Chiều ngày 12/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

Nguồn video: TTV

Các đồng chí Trương Hòa Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trịnh Văn Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Đại Thắng – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); Nguyễn Đình Xứng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Cao Huy – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: KH&ĐT, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện các nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế, những cơ chế, chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời, khái quát tình hình thu hút đầu tư cũng như các hoạt động đồng hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đồng chí nhấn mạnh: Trong những năm qua, mặc dù gặp không ít những khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế  – xã hội của tỉnh, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 17,15% cao nhất từ trước đến nay và là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lựa chọn định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 – 5 – 6 – 6, gồm: 4 trung tâm kinh tế động lực, đó là: Thành phố Thanh Hóa – thành phố Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn; Lam Sơn – Sao Vàng. 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. 6 hành lang kinh tế kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào, gồm: Hành lang kinh tế ven biển, với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế biển, được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển. Hành lang kinh tế Bắc Nam, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam. Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, với trọng tâm là phát triển xa lộ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh. Hành lang kinh tế Đông Bắc, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch kết nối Cảng Lạch Sung – Nga Sơn – Bỉm Sơn – Thạch Thành với các tỉnh Tây Bắc thông qua Quốc lộ 217B và Quốc lộ 217. Hành lang kinh tế trung tâm, với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị, kết nối thành phố Sầm Sơn – thành phố Thanh Hóa – huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân. Hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn – Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. 6 vùng liên huyện, làm cơ sở lập các quy hoạch, bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội dùng chung hiệu quả hơn cho từng vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu khai mạc hội nghị.

Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm và tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương”. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện, “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án”.

Tại hội nghị, các đồng chí Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT; Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI Việt Nam cùng các nhà đầu tư: Ông Hirohide Sagara – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhiệt Điện Nghi Sơn 2; Ông Phạm Văn Học – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO; bà Nguyễn Thị Nga  – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG; bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã tham gia phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG phát biểu tham luận tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, chúc mừng những thành tựu trong phát triển KT-XH và thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa. Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu năm 2020 đạt kết quả cao nhất về phát triển KTXH và đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau:

Một là, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch và Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Chính trị, có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, như: đường bộ ven biển; đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan, tập trung triển khai thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường sắt cao tốc Bắc Nam, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15, Quốc lộ 217, đảm bảo kết nối Cảng biển Quốc tế Nghi Sơn – Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Hai là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau…Quán triệt và triển khai nghiêm Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần doanh nghiệp phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho nhà đầu tư, không để xảy ra khiếu nại tố cáo, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại tỉnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến tặng hoa, trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư tại hội nghị.

Ba là, nghiên cứu, xây dựng và có chính sách mới, đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa bứt phá đi lên; phát huy vai trò đầu tàu, động lực, sức lan tỏa tích cực của các dự án lớn trong Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, đặc biệt là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các ngành công nghiệp sau lọc hóa dầu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ logicstic, nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư; chú trọng phương thức doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ kết hợp với thu hút các chuyên gia giỏi từ trong, ngoài nước; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất vào phụ vụ đời sống nhân dân; thúc đẩy khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp tại hội nghị.

Thứ năm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; tích cực hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, triển khai Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Thanh Hóa cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Trong thời gian qua, nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã và đang đầu tư có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từng bước khẳng định được vị trí, thương hiệu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Long Sơn, Quần thể Khu du lịch sinh thái FLC, Khu đô thị Trung tâm thành phố Thanh Hóa…

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân; đồng chí đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư; đồng thời, quan tâm, có chiến lược kinh doanh lâu dài tại tỉnh Thanh Hóa. Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng động, bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh; trường hợp cần thiết, thông qua tỉnh Thanh Hóa có đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương, với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh.

Ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với các nhà đầu tư.

Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho chủ đầu tư của 19 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, 2 dự án thuộc lĩnh vực đô thị và cơ sở hạ tầng, 3 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, 3 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng. Tổng vốn của 34 dự án nói trên, với tổng mức đầu tư hơn 341.900 tỷ đồng (tương đương 14,8 tỷ USD).

Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam đã trao cam kết tài trợ vốn tín dụng cho một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh đã ký Biên bản Thỏa thuận hợp tác với đại diện Tập đoàn FLC để mở thêm 2 đường bay mới: Thanh Hóa – Quy Nhơn và Thanh Hóa – Phú Quốc, trong thời gian tới.

Trước đó, cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đoàn đại biểu, các tập đoàn, doanh nghiệp đã đi tìm hiểu tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và một số địa điểm trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Xuân Nghĩa (Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *